Những sai lầm nguy hiểm khi dùng quạt, điều hòa ngày hè
23/05/2021 17:33
Những sai lầm khi dùng quạt, điều hòa ngày hè khiến cả nhà dễ đổ bệnh, thậm chí đột tử
1. Không vệ sinh điều hòa sau thời gian dài không sử dụng
Nhiều gia đình sử dụng điều hòa nhưng lại không chú ý tới vấn đề vệ sinh điều hòa. Một cặp vợ chồng người Trung Quốc đã phải đi khám khi người vợ bị mẩn ngứa còn người chồng bị sốt cao, kèm theo tiêu chảy, tức ngực, đau đầu. Sau khi kiểm tra bác sĩ chẩn đoán bị viêm phổi và xác định được nguyên nhân là do hai vợ chồng sử dụng điều hòa nhưng lại không chú ý tới vấn đề vệ sinh cho nó.
Điều hòa thời gian dài không được vệ sinh sạch sẽ, bên trong có thể ẩn chứa rất nhiều bụi, nếu sử dụng có thể dẫn tới dị ứng hoặc viêm phổi. Đặc biệt, trong điều hỏa bẩn có thể chứa vi khuẩn Legionella, loại vi khuẩn có khả năng gây viêm phổi nặng dẫn đến tử vong. Nước đóng băng được sản sinh trong quá trình làm lạnh của điều hòa là nơi vi khuẩn Legionella yêu thích nhất.
Khi bật chiếc điều hòa bị bẩn lâu ngày lên, vi khuẩn này sẽ từ đầu gió phân bố rải rác trong phòng, thông qua hô hấp đi vào cơ thể con người. Do đó, khi sử dụng điều hòa thời gian dài nên chú ý vệ sinh sạch sẽ cho điều hòa.
2. Vào phòng điều hòa hay bật quạt thẳng vào người ngay sau khi tắm
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo mọi người ngay sau khi tắm xong không nên lập tức vào phòng điều hòa hay bật quạt thổi thẳng vào người. Bởi lúc này sẽ dễ dẫn tới sự chênh lệch nhiệt độ đột ngột làm nhiệt độ cơ thể hạ đột ngột, mồ hôi không toát ra được.
Điều này có thể dễ gây nguy cơ cảm lạnh, viêm phổi và đặc biệt là với những người có bệnh tiềm tàng về mạch máu não có nguy cơ bị tai biến mạch máu não, có thể gây đột tử do các mạch máu bị cản trở sự lưu thông.
3. Ra vào phòng điều hòa đột ngột
Việc ra vào phòng điều hòa đột ngột cũng tương tự như việc vừa tắm xong đã vào ngay phòng điều hòa khiến cơ thể khó thích nghi ngay được với sự thay đổi nhiệt độ, gây choáng.
Đặc biệt nếu đang đi ở ngoài đường nắng nóng đến 37-38 độ C và ngay lập tức vào phòng điều hòa 17-18 độ C có thể khiến hạ thân nhiệt đột ngột, mồ hôi khó toát ra, ảnh hưởng đến trung khu thần kinh.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo: “Với sự thay đổi đột ngột này, nhẹ cơ thể có biểu hiện mệt mỏi, lờ đờ, đau đầu, chóng mặt. Nặng có thể làm nhịp tim và hơi thở lúc đầu nhanh, sau đó chậm dần, khó thở, thậm chí dẫn đến trạng thái hôn mê, tử vong. Nguy hiểm hơn với những người có sức đề kháng yếu, nhất là trẻ nhỏ, người cao tuổi…”
Để tránh dẫn tới việc thay đổi nhiệt độ đột ngột, mọi người sau khi đi ngoài nắng về, toát nhiều mồ hôi nên lau khô mồ hôi, ngồi nghỉ ngơi một lúc mới vào phòng điều hòa. Hoặc nếu đang ở trong phòng điều hòa thì trước khi ra ngoài khoảng 30 phút nên tắt điều hòa, mở cửa phòng cho không khí được lưu thông và cơ thể thích nghi dần với nhiệt độ bên ngoài.
4. Bật điều hòa ở nhiệt độ quá thấp hay chỉnh tốc độ quạt quá cao
Thời tiết nắng nóng gây khó chịu nên không ít người có thói quen bật điều hòa ở nhiệt độ rất thấp để làm mát nhanh hoặc nếu dùng quạt sẽ bật tốc độ lớn nhất.
Tuy nhiên việc này có thể khiến bạn dễ bị cảm do chênh lệch nhiệt độ quá cao giữa bên trong và ngoài nhà. Với người già và trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu càng dễ bị đau đầu, viêm họng, viêm phế quản, ngạt mũi, hen suyễn, viêm xoang,… Tốt nhất chỉ nên để nhiệt độ điều hòa ở mức từ 26 – 28°C để cơ thể không bị choáng.
Ngoài ra nếu dùng quạt cũng không nên bật tốc độ quá lớn và phả thẳng vào người. Theo TS.BS Trần Văn Thi – Trưởng khoa Hô hấp của một bệnh viện ở quận 5, TP.HCM, khi nhiệt độ môi trường bên ngoài quá 30°C, tức gần bằng với nhiệt độ cơ thể thì gió từ quạt thổi ra cũng là gió ở nhiệt độ cao.
Vì vậy, bật quạt ở mức cao nhất sẽ làm cho nhiệt độ bề mặt da giảm, lỗ chân lông bít lại, mồ hôi không thoát được ra ngoài, cơ thể cảm thấy nóng hơn, dẫn đến mệt mỏi, kiệt sức và đau lưng.
5. Để quạt hay điều hòa phả thẳng vào mặt
Đây là thói quen của nhiều người nhưng cũng là điều sai lầm dễ gây hại sức khỏe. Những luồng gió từ quạt điện thổi trực tiếp vào cơ thể sẽ khiến mồ hôi bốc hơi mạnh, nhiệt độ ngoài da giảm, các mạch máu co lại đột ngột trong khi nhiệt độ bên trong còn chưa kịp hạ nhiệt. Do đó, càng dễ mất cân bằng nhiệt độ giữa môi trường trong và ngoài, từ đó gây ra tình trạng hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, bủn rủn chân tay, đau đầu…
Do đó, nếu bật quạt nằm ngủ, bạn nên để quạt hướng lên tường hoặc trần nhà để không khí lưu thông tốt hơn. Phòng thoáng gió chỉ nên mở quạt ở tốc độ nhẹ, tốt nhất nên dùng quạt đảo chiều.
Với điều hòa cũng tương tự, không nên để hướng gió điều hòa thổi thẳng vào đầu, mặt. Vì không khí lạnh nặng hơn không khí nóng, bạn nên điều chỉnh hướng gió điều hòa hướng lên trên, nghĩa là không khí lạnh được đưa lên trên. Bằng cách này, không khí có thể được lưu thông tự động, môi trường tổng thể sẽ trở nên mát hơn, và tránh gây lạnh vùng đầu và cổ.
6. Sử dụng quạt, điều hòa trong thời gian dài
Dùng quạt hay điều hòa quá lâu sẽ làm mồ hôi bốc hơi nhanh, giảm bài tiết khiến cơ thể giảm cảm giác thiếu nước. Do đó, mọi người có xu hướng uống nước ít hơn dẫn tới cơ thể bị thiếu nước, dễ uể oải, mệt mỏi, thiếu năng lượng.
Đối với trẻ nhỏ, ngoài giấc ngủ ban đêm bật điều hòa liên tục, trong ngày không nên để trẻ nhỏ nằm điều hòa hơn 4 giờ liên tục. Trẻ cũng dễ mất nước, khô da khi ở trong phòng điều hòa lâu. Bởi vậy cần cho trẻ thường xuyên uống nước và để một chậu nước dưới máy điều hòa.